Duyên cớ Sự biến cầu Lục Bộ

Hàn Thác Trụ thao túng triều quyền

Sau khi thái thượng hoàng Tống Hiếu Tông qua đời năm 1194, do hoàng đế Tống Quang Tông không chịu đến chủ tang cho Thượng hoàng, tể tướng Triệu Nhữ Ngu bàn với Thái hoàng thái hậu Ngô thị (vợ của Tống Cao Tông) rồi làm sách mệnh buộc Quang Tông phải thoái vị. Hàn Thác Trụ, cháu đời thứ năm của cố thừa tướng Hàn Kì thời Bắc Tống, khi đó đang giữ chức Tri Cáp môn sự[1], cũng là cháu rể của Thái hoàng thái hậu cũng là người có góp phần rất lớn vào sự kiện này.

Hoàng tử Gia vương Khoáng nối ngôi, tức là vua Ninh Tông[2], lập cháu gái của Thác Trụ làm Cung Thục hoàng hậu. Trong triều, Hàn Thác Trụ tranh chấp với Triệu Nhữ Ngu, sau nhiều phen tranh đấu, Thác Trụ giành được thế thượng phong. Đến nửa cuối năm 1195, Triệu Nhữ Ngu bị bãi tướng[3], một mình Hàn Thác Trụ nắm được đại quyền trong tay. Thác Trụ cùng với Hữu Thừa tướng Kinh Thang ra sức gạt bỏ những đại thần được coi là chính nhân chí sĩ, liệt kê những đại thần chống, gọi họ là đồng đảng tuyên truyền Ngụy học, xin trị tội. Hàng loạt các đại thần bị mất chức, lưu đày, trong đó có cả Chu Tử. Sử gọi đây là Khánh Nguyên đảng cấm. Về sau Thác Trụ còn cho thầy giáo dạy vỡ lòng cho mình là Trần Tự Cường làm Thừa tướng, còn bản thân ông ta được phong đến Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, là chức vụ cao nhất trong triều đình[4].

Bắc phạt Khai Hi

Bài chi tiết: Khai Hi bắc phạt

Năm 1203, Đặng Hữu Long sau khi đi sứ về báo nước Kim suy yếu, Kim đế hôn dung, nhu nhược khiến dân tình khốn khổ, trong triều có sủng phi lộng thần nắm quyền, bên ngoài Thát Đát quấy nhiễu, sẽ mau chóng tới chỗ diệt vong. Thác Trụ nghĩ đây là cơ hội tốt để mình lập công, bèn tích cực chuẩn bị cho chiến dịch phạt Kim, thu hồi Trung Nguyên.

Năm 1206, triều Tống khởi động bắc phạt. Tuy nhiên chiến sự chẳng mấy chốc rơi vào thế bắt lợi. Đến cuối năm đó, quân Kim tiến hành phản công, xâm nhập vào đất Tống. Ở Thục, Ngô Hi dâng bốn châu hàng giặc. Ở mặt trận Giang - Hoài, chiến sự thất lợi. Hàn Thạc Trụ buộc lòng phải nghĩ đến chuyện cầu hòa. Tướng Kim Bộc Tán Quỹ sai Hàn Nguyên Tĩnh là cháu năm đời của Hàn Kì đến miền nam nhắn với Thác Trụ rằng nếu thái sư là người có chủ ý bắc phạt thì e rằng mộ của tông tộc ở Tương châu không còn giữ được; rồi nhắn với bên Tống phải xưng thần, cắt đất và nộp đầu kẻ gây sự, còn chỉ đích danh Hàn Thác Trụ.

Phương Tín Nhụ là sứ thần triều Tống được cử đi sứ đến miền bắc. Khi đó Bộc Tán Quỹ đã chết, Hoàn Nhan Tông Hạo lên thay, trấn giữ Biện Kinh. Tháng 8 ÂL năm đó, Tín Nhụ đến Biện Kinh, Hoàn Nhan Tông Hạo dùng vũ lực uy hiếp, phúc thư buộc phải quyết coi là hòa hay chiến[5]. Khi Phương Tín Nhụ cầm theo quốc thư và tiền thông tạ đến, Tông Hạo đáp rằng chỉ có thể nghị hòa nếu triều Tống thực hiện năm điều: xưng thần, cắt đất, trả những người bị bắt, tăng thuế, nộp đầu kẻ chủ mưu[5]. Khi về Lâm An, Phương Tín Nhụ liền bị bãi chức. Thác Trụ biết rằng người Kim sẽ không dung mình, chẳng còn cách khác, buộc phải tiếp tục chiến tranh. Lúc bất giờ bách tính ở Lưỡng Hoài chịu nhiều đau khổ vì cuộc chiến, trong ngoài oán than việc Hàn thái sư gây hấn ngoài biên khiến đất nước không yên. Thị lang bộ Lễ Sử Di Viễn, con trai của cố thừa tướng Sử Hạo dâng sớ xin giết Thác Trụ để yên dân[6].